Thể thao Việt Nam đặt ra những mục tiêu cụ thể dù đối diện với nhiều thách thức trong giai đoạn 2026-2046.

Thể thao Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể tại SEA Games và các giải đấu khu vực, nhưng thành tích tại ASIAD và Olympic còn hạn chế, có dấu hiệu tụt hậu so với các nền thể thao mạnh.
Do vậy, để nâng cao thành tích, Cục Thể dục Thể thao Việt Nam đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046.
Theo đó, thể thao Việt Nam lựa chọn sơ bộ 17 môn thể thao trọng điểm với số lượng vận động viên được đào tạo mỗi năm rơi vào khoảng 165 -170 người, chia thành 2 nhóm.
Nhóm 1 là các nội dung, môn thể thao có khả năng tranh chấp huy chương Olympic: bắn súng, bắn cung, cử tạ, taekwondo, boxing, đấu kiếm, đua thuyền, cầu lông (tập trung đào tạo, tập huấn dài hạn ở nước ngoài khoảng 100 – 110 vận động viên).
Nhóm 2 là các nội dung, môn thể thao có khả năng tranh chấp huy chương tại ASIAD: điền kinh, judo, karate, wushu, thể dục dụng cụ, vật, bơi, cầu mây, xe đạp (kết hợp tập trung tập huấn trong nước và cử đi tập huấn, thi đấu ngắn hạn tại nước ngoài theo chế độ đặc thù: 65 – 70 vận động viên).
Tuy nhiên, tại Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình (28.3), ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao nhấn mạnh rằng thể thao Việt Nam cần thoát khỏi tình trạng dàn trải, tập trung vào thế mạnh thực tế.
“Thực tế các môn thể thao trọng điểm được xác định vẫn còn nhiều, bởi với tất cả các nước mạnh về thể thao trên thế giới, không có nước nào có tới trên 10 môn thể thao trọng điểm.
Việt Nam trước đây có 10 môn nhóm 1 và 22 môn nhóm 2, như vậy là chúng ta có tới 32 môn trọng điểm và chúng ta dàn trải tiền cho ngần ấy môn. Do vậy, tôi đề nghị cần rút bớt số lượng môn trọng điểm thì chúng ta mới có đủ lực đầu tư”, ông Minh cho hay.
Trong khi đó, mục tiêu về thành tích của thể thao Việt Nam cũng được vạch ra cụ thể, tương ứng với mỗi giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, điều này song hành với những thách thức cho ngành thể thao và mỗi bộ môn được đầu tư trọng điểm.
Giai đoạn 2026-2030, Việt Nam cần duy trì trong tốp 3 SEA Games; tốp 20 ASIAD với 5 huy chương vàng (2026) và 6 huy chương vàng (2030); phấn đấu có huy chương tại Olympic 2028; bóng đá nam lọt vào tốp 10 châu Á và bóng đá nữ là tốp 8 châu Á.
Tiếp đến giai đoạn 2030-2036, thể thao Việt Nam phải duy trì trong tốp 3 SEA Games. Đáng chú ý, tại đấu trường ASIAD, mục tiêu phải giành 7 huy chương vàng vào năm 2034 (bắn súng, bắn cung, karate, đua thuyền, cầu mây, boxing) và lọt vào tốp 20. Trong khi đó, Olympic 2032 và 2036 đặt ra chỉ tiêu giành 2 huy chương (bắn súng, bắn cung, cử tạ, taekwondo).
Giai đoạn 2036 – 2046, thể thao Việt Nam cần duy trì tốp 2 tại các kỳ SEA Games, tốp 15 tại các kỳ ASIAD và tốp 50 tại các kỳ Olympic. Riêng bóng đá nam lọt vào tốp 8 châu Á, giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.
Song, ông Nguyễn Hồng Minh đưa ra ý kiến: “Chúng ta chỉ nên tập trung vào các nội dung có trong chương trình thi đấu ASIAD và Olympic mà vận động viên Việt Nam có thể tranh chấp huy chương.
Nếu thêm chỉ tiêu SEA Games, đồng nghĩa với việc tăng nội dung và số môn thi đấu, dẫn đến phân tán sự tập trung nguồn lực. Làm đúng nội dung trọng tâm mới có thể giúp huấn luyện viên, vận động viên nâng tầm chuyên môn, hướng đến sân chơi châu lục và thế giới”.
Về điều này, Cục Thể dục Thể thao Việt Nam cho biết sẽ tiến hành rà soát, đánh giá lại các chỉ tiêu trong Chương trình. Theo tiến độ, Chương trình sẽ được ngành thể thao trình Chính phủ phê duyệt trong năm 2025.
Theo laodong.vn